Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, sterol thực vật và stanol thực vật trong thực phẩm, có chức năng bảo vệ sức khỏe tim mạch. Việc đảm bảo chế độ ăn nhiều sterol và stanol thực vật sẽ giúp giảm lượng chất béo, hạn chế cholesterol xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Để hiểu hơn về vấn đề này, mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

1. Sterol và stanol thực vật là gì?

Sterol và stanol thực vật hay còn được gọi là “phytosterol”, là các chất tồn tại tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: các loại trái cây (bơ, quả đào, quả óc chó, …); rau củ; yến mạch; dầu thực vật (dầu bắp, dầu mè và dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu cải, dầu hướng dương, dầu bắp, …) và trong các loại hạt (hạt điều, hạt dẻ và đậu phộng, hạnh nhân,…).

2. Tác hại của việc sử dụng thực phẩm chứa quá nhiều cholesterol

Chất béo là một trong bốn nhóm thực phẩm cần thiết cho sức khỏe, cung cấp năng lượng, tham gia cấu trúc của tế bào - màng tế bào, giúp tăng hấp thu vitamin A, D, E, K…và giúp thực hiện quá trình sinh hóa trong cơ thể. Những thực phẩm giàu chất béo chứa cholesterol cao có trong nhiều thức ăn thông thường như: lòng đỏ trứng, da gà, tôm, thịt bò….

Vai trò của chất béo là không thể phủ nhận, tuy nhiên sử dụng như thế nào cho đúng lại là một việc mà không phải ai cũng biết.

Việc sử dụng quá nhiều sản phẩm chứa nhiều chất béo khiến cơ thể phải dung nạp một lượng lớn cholesterol, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như:

  • Thừa cân, béo phì: Nếu sử dụng chất béo quá nhiều sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì khi nguồn năng lượng nạp vào cơ thể không được sử dụng hết sẽ tích tụ thành mỡ thừa gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch: Nếu không được kiểm soát đúng đắn lượng cholesterol nạp vào cơ thể thì lượng cholesterol quá cao khi vào cơ thể sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, đột quỵ,
  • Đái tháo đường, suy giảm sinh lý: Khi lượng cholesterol quá cao vào cơ thể sẽ làm cho lượng đường huyết tăng gây ra tình trạng đái tháo đường và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý rất nhiều…

Vì vậy, để hạn chế nguy cơ béo phì và mắc các bệnh về tim mạch, chúng ta cần ăn uống điều độ, lành mạnh, tránh sử dụng quá nhiều sản phẩm có chứa nhiều cholesterol.

3. Vai trò của sterol và stanol thực vật đối với sức khỏe

Cấu trúc hóa học của sterol/stanol thực vật giống với cholesterol động vật nhưng mạch nhánh của chúng khác với cholesterol. Do đó, sterol và stanol thực vật cũng thực hiện những chức năng tương tự cholesterol và có thể cạnh tranh với sự hấp thu cholesterol ở ruột, gia tăng lượng cholesterol đào thải qua phân và từ đó làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. 

Sterol/stanol thực vật cũng giống như người lính cảnh sát bảo vệ, không cho cholesterol xấu (LDL) xâm nhập vào ruột. Việc sử dụng sterol/stanol thực vật sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, phòng ngừa và điều trị được nhiều bệnh liên quan đến tim mạch.

Ngoài ra, sterol/stanol thực vật còn hỗ trợ hoạt động kháng viêm, ức chế và gây chết tế bào trong tế bào ung thư (phổi, dạ dày, buồng trứng và ung thư vú).

4. Sử dụng bao nhiêu sterol/stanol mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe?

Sterol/stanol thực vật (phytosterol) có thể được chúng ta tiêu thụ mỗi ngày qua ăn uống, nhưng số lượng vẫn không đủ để có khả năng làm giảm đáng kể lượng cholesterol xấu (LDL) gây ra đối với sức khỏe.

Khi xem xét thử nghiệm lâm sàng liên quan đến bổ sung phytosterol cho cơ thể, Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) kết luận rằng khi tiêu thụ thực phẩm chứa từ 1 - 3 gram phytosterol thì có thể giảm đáng kể lượng cholesterol (LDL) xấu trong máu (khoảng 5-15%).

FDA cũng khuyến cáo chế độ ăn bảo vệ tim mạch cần lượng sterol và stanol thực vật đảm bảo mỗi ngày là 2 gram/ngày là cần thiết để thực hiện yêu cầu bồi dưỡng sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Mai Hoa

Bài viết liên quan