Vai trò của acid amin đối với sức khỏe
Acid amin là thành phần chính tạo nên giá trị dinh dưỡng riêng biệt của các phân tử protein, rất cần thiết cho sự sống, đặc biệt là 9 loại mà cơ thể không thể tự tổng hợp được.
1. Acid amin là gì?
Acid amin là thành phần chính của phân tử protein. Do kết hợp với nhau trong những liên kết khác nhau, chúng tạo thành các phân tử protein khác nhau về thành phần và tính chất. Giá trị dinh dưỡng của protein được quyết định bởi mối liên quan về số lượng và chất lượng của các acid amin khác nhau trong protein đó. Nhờ quá trình tiêu hoá, protein trong thức ăn được phân giải thành acid amin. Các acid amin từ ruột vào máu và tới các tổ chức, tại đây chúng được sử dụng để tổng hợp protein đặc hiệu cho cơ thể.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra rất nhiều loại acid amin trong protein. Trong số đó, 21 loại acid amin đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Và trong số 21 loại acid amin ấy, cơ thể con người có thể tự tổng hợp 12 loại, 9 loại còn lại cơ thể không thể tạo ra mà phải hấp thụ từ thức ăn. Chúng gọi là các acid amin thiết yếu, gồm có: isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, threonine, tryptophan, valine, histidine.
2. Vì sao cần bổ sung acid amin thiết yếu?
Acid amin là các “nguyên liệu xây dựng cơ bản” của cơ thể. Chúng đóng vai trò quan trọng như là chất trung gian trong quá trình chuyển hóa cũng như tổng hợp protein, cũng là những đơn vị cấu trúc cơ bản của protein.
Acid amin không chỉ “xây dựng các tế bào và sửa chữa các mô”, mà còn tạo ra kháng thể chống lại virus và vi khuẩn để đảm bảo cho sự sinh tồn của con người. Acid amin là một phần của các enzyme và hệ thống nội tiết, chúng còn mang oxy đi khắp cơ thể và góp phần vào các hoạt động cơ bắp.
Khi tổng hợp nên các loại phân tử protein khác nhau, cơ thể cần khoảng 21 loại acid amin. Trong đó, 9 loại là acid amin thiết yếu cơ thể không thể tự sản xuất được, do đó cần bổ sung đầy đủ từ các loại thức ăn, nước uống nhằm đảm bảo sự hoạt động của các cơ quan nội tạng.
- Isoleucine: Đóng vai trò sống còn trong quá trình phục hồi sức khỏe sau thời gian luyện tập thể dục thể thao. Đồng thời giúp điều tiết lượng đường glucose trong máu, hỗ trợ quá trình hình thành hemoglobin và đông máu. Nguồn thực phẩm chứa isoleucine: Thịt gà, cá, hạnh nhân, hạt điều, trứng, gan, đậu lăng và thịt bò.
- Leucine: Là acid amin duy nhất có khả năng điều hòa sự tổng hợp protein của cơ, làm giảm sự thoái hoái và tăng sự tổng hợp các protein của cơ.Đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của các vận động viên trong việc rèn luyện cơ bắp bên cạnh acid amin isoleucine và valine. Leucin cần nhiều ở gan, mô mỡ và mô cơ để tổng hợp các sterol, thành phần cấu tạo nên hormone, giúp duy trì lượng hormone tăng trưởng để thúc đẩy quá trình phát triển mô cơ. Nguồn thực phẩm chứa leucine: Đậu tương, đậu lăng, lòng đỏ trứng, hạnh nhân, cá, lạc, tôm.
- Lysine: Là một thành phần quan trọng của tất cả các protein trong cơ thể. Lysine đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu canxi,tạo cơ bắp, phục hồi sau chấn thương hay sau phẫu thuật; sự tổng hợp các hormone, enzyme và các kháng thể. Lysine là một chất đối vận của serotonin ở ống tiêu hóa, có tác dụng giải lo âu do làm giảm tác dụng của các thụ thể serotonin. Lysine có trong phô mai, khoai tây, sữa, trứng, thịt đỏ, các sản phẩm men.
- Methionine: Do có chứa lưu huỳnh, cần thiết cho sản xuất chất các acid amin (như cysteine và taurine) và glutathion – là chống oxy hóa tự nhiên giúp trung hòa các độc tố trong gan. Methionine còn là một lipotropic (kích thích cơ thể sử dụng mỡ) giúp ngăn chặn sự tích tụ mỡ trong gan. Là chất cần thiết để tạo creatine, cung cấp năng lượng cho cơ bắp để tăng hiệu suất thể thao trong thời gian ngắn, tập cường độ cao, hỗ trợ hoạt động bình thường của tim và hệ tuần hoàn. Methionin còn giúp cho sự hình thành của collagen được sử dụng để tạo thành da, móng, mô liên kết, và giúp giảm mức độ dị ứng viêm trong cơ thể. Thịt, cá, đậu đỗ tươi, trứng, đậu lăng, hành, sữa chua, các loại hạt là những thực phẩm chứa menthionine.
- Phenylalanine: Là một acid amin có tính giảm đau và chống trầm cảm. Phenylalanine có trong sữa, hạnh nhân, bơ, lạc, các hạt vừng.
- Threonine: Giúp duy trì sự cân bằng protein thích hợp trong cơ thể. Là chất cần thiết để tạo ra glycine và serine, hai loại acid amin cần thiết cho việc sản xuất collagen, elastin, và các mô cơ, giúp giữ cho các mô liên kết và cơ bắp khắp cơ thể khỏe mạnh và đàn hồi, bao gồm cả tim. Nó cũng giúp xương và men răng chắc khoẻ, có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương hoặc hồi phục sau chấn thương. Threonine còn kết hợp với các acid amin acid aspartic và methione để giúp gan có chức năng lipotropic (kích thích cơ thể sử dụng mỡ), hoặc tiêu hóa chất béo và acid béo, nếu không có đủ threonine chất béo có thể tích tụ trong gan và cuối cùng gây suy gan. Ngoài ra, nó giúp hỗ trợ sản xuất các kháng thể, tăng cường miễn dịch, hữu ích trong điều trị một số loại bệnh trầm cảm. Nguồn thực phẩm chứa nhiều threonine nhất: Thịt, cá, trứng.
- Tryptophan: Có hai chức năng quan trọng, một là được gan chuyển hóa thành niacin (vitamin B3), hai là cung cấp tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể điều hòa giấc ngủ và tâm trạng, làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân cho người béo phì. Các thực phẩm giàu chất tryptophan là chuối, đậu phộng, hạt sen, gạo, thịt gà tây, bí đỏ (bí đỏ chứa một lượng tryptophan rất dồi dào)
Bài viết liên quan