Sử dụng vitamin khi nào là tốt nhất?
Vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể người không thể tự tổng hợp được, phần lớn phải lấy từ ngoài vào qua các loại thực phẩm sử dụng hằng ngày. Vitamin tồn tại trong cơ thể với một lượng nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cũng như các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, vai trò của vitamin sau khi đi vào cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi thời điểm và cách sử dụng nhất định. Tùy vào thời điểm uống trong ngày, khả năng hấp thu của cơ thể đối với vitamin sẽ khác nhau.
Uống vitamin C lúc nào?
Vitamin C - một vitamin tan trong nước, tham gia nhiều chức năng quan trọng trong hoạt động của con người: tăng sức đề kháng, miễn dịch; chống oxy hóa, bảo vệ thành mạch máu... Thế nhưng cơ thể không tự nhiên sinh ra vitamin C mà chúng ta cần bổ sung hằng ngày qua thức ăn và nước uống để đảm bảo số lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể hoạt động. Nếu khẩu phần ăn không cấp đủ lượng vitamin C thì cần bổ sung qua các sản phẩm bổ sung khác.
Thời điểm uống vitamin C để hấp thu tốt nhất là uống vào cùng bữa ăn. Nguyên nhân là do vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên không sử dụng toàn bộ liều uống vào một thời điểm mà nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Tuy nhiên, với trường hợp người bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn. Đặc biệt, tránh sử dụng vitamin C quá muộn vào buổi tối vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ cho người sử dụng.
Uống vitamin A lúc nào?
Nên sử dụng vitamin A trong bữa ăn.
Đối với vitamin A, bạn nên uống trong bữa ăn vì lượng chất béo có trong bữa ăn sẽ hòa tan chất này, giúp cơ thể hấp thu vitamin A tối đa. Cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ các loại vitamin tan trong chất béo nói chung và vitamin A nói riêng để duy trì chức năng hàng ngày. Nếu tiêu thụ quá nhiều vitamin A có thể gây ra nhiều tác hại, thậm chí khiến cho cơ thể bị nhiễm độc. Ngộ độc vitamin A mãn tính gặp ở người lớn dùng 50.000 IU/ngày và trẻ em dùng 20.000 IU/ngày liên tục trong nhiều tháng
Vitamin A không bị mất đi trong quá trình nấu nướng. Bạn nên tự bổ sung đầy đủ vitamin A tùy theo nhu cầu của cơ thể . Trẻ từ 1 đến 3 tuổi không nên dùng quá 2.000 IU (600 mcg RAE) một ngày. Trẻ từ 4 đến 8 tuổi không nên quá 3.000 IU (900mcg RAE). Có thể bổ sung bằng cách ăn các loại thức ăn có chứa vitamin này hoặc sử dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe để bổ sung.
Vitamin E uống lúc nào tốt nhất
Ở mỗi độ tuổi nhất định, cơ thể chúng ta lại cần một lượng vitamin E khác nhau để đảm bảo cho các quá trình chuyển hóa. Những người từ 25 - 30 tuổi nên bắt đầu uống vitamin E hoặc có thể sớm hơn tùy cơ địa từng người. Bởi vì đây là độ tuổi mà các tế bào trên cơ thể, đặc biệt là làn da bước vào giai đoạn lão hóa.
Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào từ các gốc tự do và cũng là chất quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Do vitamin E thuộc nhóm vitamin tan trong chất béo, dễ dàng lưu trữ trong cơ thể đặc biệt là ở mô gan và mô mỡ. Vì vậy, bạn nên uống vitamin E vào buổi sáng, uống sau bữa ăn 30 phút hoặc uống cùng bữa ăn và không uống khi quá no hoặc quá đói.Chúng ta nên sử dụng vitamin E cùng với các thực phẩm có chứa chất béo như sữa, các loại hạt, bơ, sữa chua…để cơ thể hấp thu tối đa.
Ngoài việc xác định thời điểm hợp lý để uống vitamin E, bạn cũng cần lưu ý cách uống vitamin E đúng cách. Với người trưởng thành, việc bổ sung viên uống vitamin E mỗi ngày sau 30 tuổi chỉ nên dùng trong 1 - 2 tháng sau đó nghỉ một thời gian rồi mới dùng tiếp. Bởi uống vitamin E liên tục trong thời gian dài có thể sẽ gây hại cho sức khỏe. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, uống vitamin E liều cao còn có thể làm gia tăng các nguy cơ không tốt cho sức khoẻ.
Giới hạn an toàn đối với lượng vitamin E bổ sung lớn nhất có thể sử dụng thay đổi theo độ tuổi như sau:
- Từ 1 tới 3 tuổi: không quá 200 mg/ngày (~ 300 IU/ngày)
- Từ 4 tới 8 tuổi: không quá 300 mg/ngày (~ 450 IU/ngày)
- Từ 9 tới 13 tuổi: không quá 600 mg/ngày (~ 900 IU/ngày)
- Từ 14 tới 18 tuổi: không quá 800 mg/ngày (~ 1200 IU/ngày)
- Từ 19 tuổi trở lên: không quá 1000 mg/ngày (~ 1500 IU/ngày).
Các trường hợp bệnh lý thiếu vitamin E có thể bổ sung với liều cao hơn, nhưng phải có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết liên quan