08/04/2020

Một trong những vitamin cần được cung cấp đủ hằng ngày là vitamin E hay còn gọi là alpha-tocopherol. Là một loại vitamin tan trong chất béo (giống như vitamin A, D, K) và thực hiện một số chức năng đối với cơ thể như bảo vệ màng các tế bào, điều hòa quá trình biến dưỡng một số chất sinh học cần thiết đối với cơ thể...

Về mặt cấu trúc hóa học, Vitamin E tự nhiên tồn tại dưới 8 hợp chất khác nhau, trong đó có 4 tocopherol và 4 tocotrienol. Các tocopherol và tocotrienol đều có dạng alpha, beta, gamma và delta, được xác định theo số lượng và vị trí của các nhóm methyl trên vòng chromanol. Mỗi dạng có hoạt động sinh học khác nhau.(1)

Liều sử dụng

Tác dụng của vitamin E khác nhau tùy thuộc vào liều lượng sử dụng, sự chuyển hóa và hấp thu trong cơ thể như thế nào. Dùng vitamin E với liều lượng nhỏ khoảng 15 - 45 IU mỗi ngày được xem là cần thiết để phòng ngừa thiếu vitamin E. Theo khuyến nghị về dinh dưỡng của Mỹ - RDA thì liều lượng dự phòng mỗi ngày là 15 IU vitamin E; 1 đơn vị quốc tế IU bằng 1 mg dl-alpha-tocopheryl acetate. Còn sử dụng liều cao hơn nữa (khoảng 3.200 IU mỗi ngày) thì cần có sử chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.

 

 "Cần lưu ý rằng" dùng vitamin E liều cao (trên 3.000 IU mỗi ngày) có thể gây rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, đầy hơi, đi lỏng. Tiêm tĩnh mạch liều cao có thể gây tử vong.

Vitamin E dùng như chất chống oxy hóa?

Các tác dụng khác của vitamin E cũng mới được phát hiện thêm gần đây. Như vào đầu những năm 1990, các nhà khoa học đã phát hiện vai trò quan trọng của vitamin E trong việc bảo vệ cơ thể, chống lại các phản ứng oxy hóa có hại do các gốc tự do có ở tế bào. Mặt khác, vitamin E được xem là vitamin chống oxy hóa giống như vitamin C, beta-caroten (tức tiền vitamin A) giúp chống quá trình lão hóa đối với cơ thể con người. Với nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy nếu hàng ngày ta dùng thực phẩm giàu các chất chống oxy hóa thiên nhiên như vitamin E, vitamin C, beta caroten có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh đục thủy tinh thể…

Vitamin E có trong các loại thực phẩm nào?

Các loại thực phẩm giàu vitamin E có thể đến: mầm các loại hạt ngũ cốc, giá sống, một số loại rau, trong các hạt nhiều dầu như mè, đậu phộng, đậu nành, hạt hướng dương … Ngoài ra Vitamin E được chiết ra từ dầu mầm lúa mì, nhưng phần lớn các nguồn bổ sung vitamin E tự nhiên hiện nay được tách ra từ dầu thực vật, thông thường là dầu đậu nành.

Trong trường hợp nghi ngờ thiếu, bạn cần phải bổ sung vitamin E và có thể bổ sung hằng ngày 1 viên vitamin E 400mg (tức 400 IU). Tuy nhiên nếu không có chỉ định của bác sĩ thì nên uống cách quãng, uống vài tuần nghỉ vài tuần, sau đó tiếp tục. Vì là vitamin tan trong dầu, ta nên uống vitamin E cùng với hoặc ngay sau bữa ăn để nhờ chất béo của thức ăn giúp thuốc hấp thu.

 
Thực phẩm giàu vitamin E

 Vitamin E làm đẹp da phụ nữ?

Để có được làn da tươi tắn, mịn màng, chị em phụ nữ nên xây dựng cho mình mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng cùng với việc bổ sung vitamin hợp lý, bên cạnh chế độ nghỉ ngơi và vận động thích hợp. 

Riêng vitamin, với vai trò làm chất xúc tác trong các enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hóa các dưỡng chất khác, đặc biệt chống oxy hóa, ngăn ngừa sự lão hóa nên được xem có vai trò sinh học chủ yếu giúp làn da tươi tắn mịn màng.  Chế độ ăn uống phải được cung cấp nhiều loại vitamin và không được thiên lệch một loại vitamin nào. Tuy nhiên, có không ít người không xem nguồn thực phẩm, đặc biệt các loại rau quả trái cây, là nguồn thiên nhiên dồi dào và an toàn giúp bổ sung vitamin mà chỉ sử dụng các loại thuốc.

Và nhiều người còn cho rằng muốn đẹp da thì hằng ngày phải uống vitamin E,  hay tiêm chích vitamin C - cũng là chất chống oxy hóa như vitamin E. Chỉ riêng một loại vitamin E thì không thể là làm cho da trắng sáng và đẹp lên được. Chúng ta cũng không nên nghe người khác nói rằng nên uống vitamin E mỗi ngày lâu dài thì sẽ đẹp da. 

Vì thế các bạn chỉ nên dùng vitamin E hằng ngày trong thời gian dài khi đã được bác sĩ khám và chỉ định theo yêu cầu thật sự cần thiết. Vì là vitamin tan trong dầu, ta nên uống vitamin E cùng lúc với bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn để nhờ chất béo của thức ăn giúp thuốc hấp thu tốt hơn.

Tham khảo:   ( 1) ^ Burton G. W., Ingold K. U.: "Autoxidation of biological molecules. 1. Antioxidant activity of vitamin E and related chain-breaking phenolic antioxidants in vitro", J. Am. Chem. Soc., 1981, 103, 6472 - 6477.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Bài viết liên quan