Ăn nhiều chất đạm có tốt không?
Từ lâu chất đạm hay còn gọi là protein được biết đến là một chất hữu cơ giàu dinh dưỡng có trong động, thực vật. Chất đạm cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể, vật liệu xây dựng tế bào mới, đồng thời bổ sung tế bào hư hao. Theo nghiên cứu thì để có được cơ thể người với thể trạng hoàn chỉnh thì cần phải có ít nhất 10.000 loại protein khác nhau kết hợp lại
Chất đạm còn là thành phần cấu tạo của phần lớn các bộ phận trong cơ thể. Ngoài ra protein còn có vai trò tạo ra các enzyme thúc đẩy những phản ứng hoá học và giúp cho tế bào hồng cầu hemoglobin đưa oxy đi khắp cơ thể. Thật vậy, đạm là chất căn bản cho sự sống của mọi tế bào; nếu thiếu protein các cơ quan nội tạng không thể phát triển và hoạt động bình thường. Cơ thể thiếu chất đạm sẽ bị suy nhược, rụng tóc, da mất độ đàn hồi, cơ và xương chậm phát triển, ….
Cùng với sự phát triển của xã hội và nhận thức ngày càng cao của con người về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với cơ thể đặc biệt là protein. Vì thế xu hướng hiện nay, mọi người sử dụng các thực phẩm chứa chất đạm ngày càng nhiều..
Tuy nhiên, với một chế độ dinh dưỡng nhiều đạm mà ít chất xơ sẽ làm cho thận phải hoạt động nhiều hơn, phải tăng cường đào thải các cặn bã sinh ra từ quá trình chuyển hóa chất đạm như amoniac và urê qua đường tiểu tiện. Đồng thời gây ra các bệnh về thận, tim mạch, gout, huyết áp, …nếu dùng chế độ dinh dưỡng ít rau xanh trong thời gian dài. Ngoài ra trong thịt động vật, nhất là các loại thịt đỏ còn có nhiều cholesterol và chất béo bão hòa – một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gan, tim mạch, béo phì.
Theo số liệu thống kê, người sống ở thành thị sử dụng nhiều sản phẩm từ động vật hơn so với người sống ở nông thôn. Do đó tỉ lệ người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường cũng cao nhiều hơn.
Mọi người thường biết các chất đạm chỉ có trong các thực phẩm nguồn gốc từ động vật nhưng thực ra không phải vậy. Chất đạm cũng có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như đậu hũ, đậu xanh, sữa đậu nành, gạo, đậu tương,... Mặc dù đạm động vật có giá trị dinh dưỡng cao hơn, nhưng đạm thực vật lại có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như vừa dễ tiêu, vừa ít năng lượng, lại ít chất béo bão hòa hơn đạm động vật và không sinh ra các chất chuyển hóa độc hại cho cơ thể như urê, acid uric.
Với một chế độ ăn giàu đạm thực vật sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của người dùng. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người ăn nhiều đạm thực vật sẽ kiểm soát cân nặng tốt hơn, cholesterol thấp và huyết áp ổn định, phòng ngừa hiệu quả nguy cơ đột quỵ, ung thư và tử vong vì bệnh tim cũng thấp hơn.
Mặt khác, sử dụng chế độ ăn giàu đạm thực vật cũng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Chế độ ăn giàu đạm thực vật sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho người dùng, có thể là do khẩu phần ăn kết hợp với lối sống lành mạnh tổng thể chứ không hẳn là ở sự khác biệt giữa protein động vật hay thực vật.
So với protein thực vật, protein động vật cũng có tác động tích cực đến sức khỏe mặc dù không lành mạnh bằng. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, sử dụng các loại thịt gia cầm, cá hoặc sữa ít béo giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ăn trứng sẽ giúp cải thiện mức cholesterol và giảm cân hiệu quả. Thường xuyên ăn protein động vật sẽ giúp tăng khối lượng cơ nạc và giảm mất cơ do nguyên nhân tuổi tác gây ra.
Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chỉ nên bổ sung vừa đủ lượng chất đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày, cân đối giữa lượng đạm động vật và đạm thực vật. Đồng thời tăng cường ăn các sản phẩm từ rau xanh khoảng từ 800 -900g mỗi ngày một người để có một cơ thể khỏe mạnh.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho lời khuyên, mỗi amino acid có 1 vai trò riêng biệt. Chất này không thể thay thế cho chất kia được. Do đó, bữa ăn cần đa dạng và có sự cân bằng giữa các thực phẩm, không nên chỉ ăn theo sở thích, bữa ăn hàng ngày không thể thiếu rau xanh, không nên ăn quá 120g thịt đỏ mỗi ngày.
Theo Ngon & Lành (VTC14)
Bài viết liên quan