AI SẼ DỄ THIẾU VITAMIN A?
Vitamin A là một trong 3 loại vitamin quan trọng cần thiết của cơ thể giúp cho mắt sáng khỏe. Thiếu vitamin A khiến cho trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng hoặc mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bị quáng gà, thậm chí là loét giác mạc.
1. Vai trò vitamin A
Vitamin A là một trong những vitamin cần thiết, tham gia nhiều vào chức năng trong cơ thể. Vitamin A tham gia vào chức năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu, chống oxy hóa giúp cho mắt khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe ở giác mạc, niêm mạc.
Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, tuyến nước bọt, khí quản, ruột non,...
Ngoài ra, vitamin A tham gia vào quá trình miễn dịch cơ thể, tăng khả năng đề kháng của cơ thể và chống lại các bệnh nhiễm trùng do các loại virus hoặc vi khuẩn có hại. Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ cấu trúc của tế bào biểu mô tuyến lệ, bảo vệ màng tế bào trước các tổn thương và tình trạng thiếu oxy ở gốc tự do.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với con người
2. Đối tượng dễ thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A xảy ra khi lượng vitamin A dự trữ hết và lượng vitamin A ăn vào không đủ. Đối tượng dễ dẫn tới thiếu vitamin A là những người có khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A, mắc bệnh nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng và trẻ em suy dinh dưỡng,...
- Do khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A nên toàn bộ vitamin A do thức phẩm cung cấp. Nếu các bữa ăn nghèo Vitamin A hay thiếu dầu mỡ dần đến giảm hấp thu. Đối với em bé dưới 6 tháng, sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng cho trẻ vì vậy nếu trẻ không được bú mẹ hay không được bổ sung từ các loại sữa chứa vitamin A sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin A.
- Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: Những bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp,... gây thiếu hoặc mất vitamin A do nhu cầu vitamin A trong cơ thể tăng cao nhằm bảo vệ trước tác nhân gây bệnh. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột thường gặp nhất là giun đũa cũng làm giảm khả năng hấp thu vitamin A.
- Suy dinh dưỡng protein: Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có kèm theo thiếu vitamin A. Bởi vì thiếu protein sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, nếu thiếu một số khoáng chất như kẽm, đồng… cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.
Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ thiếu hụt vitamin A
3. Thiếu vitamin A gây bệnh gì?
Thiếu vitamin A làm cho trẻ nhỏ chậm lớn, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng. Nhất là những bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp hay đường tiêu hóa và sởi.
Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, giúp cho mắt có khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu vitamin A khả năng nhìn thấy của mắt trong trường hợp ánh sáng yếu sẽ giảm. Hiện tượng “quáng gà” xuất hiện khi trời tối nhá nhem, là biểu hiện lâm sàng sớm của tình trạng thiếu vitamin A.
Thiếu vitamin A còn làm giảm sản xuất các niêm mạc da khô và xuất hiện sừng hóa. ban đầu kết mạc khô rồi tổn thương đến giác mạc, các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
4. Phòng chống thiếu vitamin A
Những cách nhằm ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin A bao gồm:
- Bổ sung vitamin A qua bữa ăn: Đối với trẻ dưới 6 tháng, cần nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất và quan trọng nhất. Đối với trẻ đã ăn dậm, thiếu niên, người trưởng thành cần đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, trong bữa ăn cần có những thực phẩm giàu vitamin A bao gồm: trứng, thịt, tôm, cá, rau muống, cà rốt, đu đủ, rau diếp,... Ngoài ra trong bữa ăn cần có đủ dầu mỡ để hỗ trợ hấp thụ vitamin A.
- Bổ sung viên nang vitamin A: Bổ sung vitamin A liều cao là thực hiện cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng) được uống vitamin A định kỳ 6 tháng/lần.
- Phòng bệnh nhiễm khuẩn: Các bệnh nhiễm trùng đặc biệt là sởi gây thiếu hụt vitamin A rất nghiêm trọng. Do vậy, việc phòng chống những nguy cơ gây thiếu vitamin A rất cần thiết và cần được triển khai trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phòng chống thiếu vitamin A cần phối hợp với phòng suy dinh dưỡng.
Trẻ được uống vitamin A định kỳ 6 tháng/lần
Vitamin A là một trong vitamin rất cần thiết và quan trọng của cơ thể. Trẻ em hay những người suy dinh dưỡng, mắc những bệnh nhiễm trùng là các đối tượng dễ thiếu vitamin A. Do vậy, để phòng ngừa thiếu hụt vitamin A cần phải ăn uống đầy đủ, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A và phòng ngừa những bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là sởi đối với trẻ em.
Nguồn Vinmec
Bài viết liên quan