Tắm rừng - liệu pháp điều trị tinh thần
“Tắm rừng” (Forest Bathing) là một hình thức y học của Nhật Bản, còn được gọi là “Shinrin-yoku” để giảm căng thẳng. Đây không phải là một phương pháp mới, nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng bắt đầu.
Khi tôi lần đầu tiên nghe thuật ngữ “tắm rừng”, tôi tưởng tượng đó là một nhóm người lưu lạc trong rừng và tìm cách tắm rửa dưới cây thông như trong chương trình truyền hình thực tế Mỹ “Survivor” (Kẻ sống sót). Nhưng việc tắm rừng không phải là cách làm sạch cơ thể. Nó thuộc về phạm trù cảm xúc.
Thuật ngữ “Shinrin-yoku” bắt nguồn từ Nhật Bản, có nghĩa là “đắm chìm trong bầu không khí rừng rậm”. Phương pháp này bắt đầu vào năm 1982 khi Bộ Nông nghiệp Nhật Bản khuyến khích người dân kết hợp cùng thiên nhiên như một hình thức trị liệu cảm xúc hoặc hàn gắn vết thương tâm hồn chữa bệnh bằng cách trải nghiệm sống trong môi trường tự nhiên.
1. Hàn gắn vết thương với liệu pháp rừng cây (Woodland Therapy)
Susan Joachim, một hướng dẫn viên về phương pháp điều trị “tắm rừng” ở Melbourne, Australia cho biết: “Chính quyền địa phương khuyến khích người dân tham gia phương pháp điều trị với “liệu pháp rừng cây” vì vài năm gần đây các nghiên cứu cho thấy nhiều lợi ích của liệu pháp này”.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sức khoẻ Môi trường và Y học Dự phòng đã phát hiện ra rằng những người dành thời gian trong rừng có mức cortisol thấp hơn, giảm nhịp tim và huyết áp thấp hơn những người đi bộ trong thành phố. Họ cũng có mức độ căng thẳng thấp hơn. Và điều này không chỉ từ một thí nghiệm duy nhất. Các nhà nghiên cứu tiến hành các thí nghiệm thực tế tại 24 khu rừng khác nhau trên khắp Nhật Bản với 280 người tham gia.
Trong khi rừng là một nơi yên bình với vẻ đẹp như tranh, thì lợi ích chữa bệnh phần nhiều là do bầu không khí trong lành nơi đây. Joachim nói rằng cây phát triển Phytoncides, là các hợp chất kháng khuẩn để bảo vệ cây cối khỏi bệnh tật. Theo Hiệp hội Trị liệu Châu Mỹ, chất này tăng cường hệ thống miễn dịch và tăng lượng tế bào tự nhiên (NK) của cơ thể, giúp chúng ta chống lại bệnh tật. Khi mọi người dành thời gian trong tự nhiên, họ cũng hấp thụ các hợp chất này để tự chữa bệnh.
2. Thu hút các giác quan
Phương pháp “forest bathing” có thể được thực hành độc lập hoặc thành nhóm, với sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Nếu như các phương pháp trị liệu khác đòi hỏi sự suy nghĩ từ bên trong, thì tắm rừng lại thu hút sự chú ý của một người ra bên ngoài.
Khi Joachim hướng dẫn các nhóm tắm rừng, cô bắt đầu bằng cách đưa những người tham gia đi bộ thong thả dọc theo những con đường rừng xanh tốt. “Dưới tán cây, tôi mời họ cất điện thoại và tận hưởng những trải nghiệm nhẹ nhàng mà thiên nhiên ban cho”, cô nói.
Là một hướng dẫn viên trị liệu, Joachim cung cấp cho các thành viên trong nhóm của mình một loạt “lời mời” để chìm đắm vào các điểm tham quan, mùi hương, âm thanh, và không khí của rừng. Cô kết thúc mỗi buổi đi bộ với một bữa tiệc trà nhẹ nhàng và mọi người sẽ cùng chia sẻ những cải xúc của mình, đó là một cách hoàn hảo để kết thúc trải nghiệm tuyệt vời này. Nhấm nháp từng ngụm trà giữa rừng có thể giảm mức độ stress và giúp bạn dễ dàng quản lý căng thẳng, kiểm soát cảm xúc.
“Trong những chuyến đi này, mọi người trải nghiệm sức mạnh điều trị của rừng. Bằng cách làm họ sống chậm lại hòa nhập với thiên nhiên, mở ra những cánh cửa tâm hồn tươi mới, tràn ngập sức sống”, người hướng dẫn Joachim chia sẻ.
3. Từ từ tiến đến Hoa Kỳ
Ngay cả các bác sĩ ở Hoa Kỳ cũng đang bắt đầu đề nghị phương pháp “tắm rừng” cho bệnh nhân như một hình thức chăm sóc bản thân. Tương tự như các hình thức rèn luyện cần sự tĩnh tâm khác, các bác sĩ tin rằng tắm rừng là một công cụ có thể giúp mọi người giải quyết stress gắn liền với các điều kiện như đau mãn tính, trầm cảm và ung thư.
Viện Ung thư Bệnh viện Northside ở Atlanta, Georgia, đã cung cấp việc tắm rừng như một phần của các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bệnh viện đã hợp tác với Hiệp hội Hỗ trợ Ung thư Atlanta và bắt đầu cung cấp Shinrin-yoku đầu năm nay.
Christy Andrews, giám đốc điều hành của Hiệp hội Hỗ trợ Ung thư Atlanta, một tổ chức hợp tác chặt chẽ với Bệnh viện Northside, nói: “Chương trình này giúp bệnh nhân kiểm soát mức độ căng thẳng của họ, có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và chất lượng cuộc sống chung của họ. Nó mang mọi người lại với nhau tăng sự gắn kết cộng đồng. Sự hỗ trợ này nhắc nhở các bệnh nhân rằng họ không cô độc “.
4. Đề cao tinh thần yêu đời, vui sống
Người sống sót sau thảm hoạ Emily Helck, 33 tuổi, đã tắm rừng trong nhiều năm. Cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 2012 ở tuổi 28. Căn bệnh này đã gây ra một sự ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của cô. Sau khi hoàn thành hóa trị và phẫu thuật cắt bỏ phần ngực, cô ấy hy vọng sẽ kết hợp một số công cụ tự chăm sóc để giúp cô sống lành mạnh về mặt thể chất và tinh thần.
“Tôi đã hoàn tất việc trị liệu và không có bất cứ triệu chứng tái phát nào nữa trong 5 năm nay. Tôi đã luôn luôn yêu thích thiên nhiên và khi tôi đọc về những ảnh hưởng của việc tắm rừng trên hệ thống miễn dịch, tôi thực sự bị lôi cuốn”, cô tâm sự.
Thay vì tham gia vào một nhóm, Helck thích tắm riêng. Với con chó của mình ở bên cạnh, cô bắt đầu thực hành phương pháp này bằng cách đi bộ với một tốc độ tự nhiên. Mỗi bước chân cô dặt xuống mặt đất là mỗi sự tận hưởng, khi cô đi ngang qua những cây dương xỉ, cô cảm nhận được hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa. Và cô cảm thấy khu rừng như một người bạn sống động, có cảm xúc riêng của nó mỗi khi cô chạm vào nó, dù là một phiến đá lạnh hay những thân cây xù xì.
Căn bênh ung thư đã dạy cô rằng cuộc sống là không thể đoán trước. Nó đã cho cô một sự đánh giá sâu sắc hơn cho cuộc sống trong hiện tại. “Phương pháp tắm rừng đã kết nối tôi với một thế giới lớn hơn. Tôi càng thấy yêu thiên nhiên và nhận thức được tầm quan trọng của những người bạn thiên nhiên. Điều này làm tâm hồn tôi lắng lại và bình yên!”
Trang Phạm (Theo Healthline)
Bài viết liên quan