Phân biệt các loại chất béo trong cơ thể
Chất béo trong cơ thể người được chia thành 2 loại là chất béo tốt và chất béo xấu. Chất béo tốt cung cấp năng lượng cho cơ thể, chất béo xấu khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol LDL và dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
1. Phân loại chất béo tốt và chất béo xấu
Chất béo trong cơ thể người làm 2 loại: chất béo tốt và chất béo xấu
- Chất béo tốt: hay còn gọi là chất béo không bão hòa, không đông đặc ở nhiệt độ thường, tồn tại dưới 2 dạng là không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Omega-3 và Omega-6 là 2 chất béo không bão hòa đa. Ngoài ra, chúng cũng là loại axit béo phổ biến mà cơ thể cần hấp thụ từ thực phẩm. Đây là chất béo tốt vì có khuynh hướng làm giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, sản sinh ra cholesterol tốt truyền đi khắp cơ thể, ngăn ngừa các bệnh tim mạch,...
- Chất béo xấu: còn gọi là chất béo bão hòa, đông đặc ở nhiệt độ bình thường, khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
2. Công dụng của chất béo tốt
Chất béo không bão hòa đơn
Đây là loại chất béo có khả năng làm giảm lượng cholesterol thay thế cho chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống hằng ngày. Loại chất béo này được tìm thấy trong dầu các loại dầu: hạt cải, hạt nho, ô-liu, bơ, đậu phộng, hay cả thịt nạc,...
Chất béo không bão hòa đa
Chức năng của nó tương tự chất béo không bão hòa đơn nhưng được xem là có tác dụng tốt hơn. Cụ thể, chất béo không bão hòa đa có khả năng làm giảm hàm lượng cholesterol cả xấu lẫn tốt, trong khi chất béo không bão hòa đơn chỉ có thể làm giảm cholesterol xấu.
Loại chất béo này được tìm thấy trong dầu thực vật như ngô, hướng dương, hạt mè, hạt hướng dương, ngô, đậu nành và các loại ngũ cốc khác,... Việc ăn các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, quả hạch, ngũ cốc cũng có thể giúp cơ thể bạn dễ dàng hấp thụ các chất béo không bão hòa đa.
Omega-3, Omega-6 và Omega-9 là một dạng của chất béo không bão hòa đa
- Đối với Axit béo Omega-3
Là chất béo có lợi cho sự phát triển mắt và não trẻ trong 6 tháng đầu đời, thúc đẩy sự phát triển trí não, tăng cường hệ thống miễn dịch của bé. Đối với người lớn, loại chất béo này có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau, cứng khớp buổi sáng ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, chúng còn hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Axit béo Omega-3 có nhiều trong hải sản như cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu. Ngoài ra, chúng cũng được tìm thấy trong hạt lanh, quả óc chó, rau quả lá xanh, cây họ đậu đặc biệt là đậu nành,...
- Đối với Axit béo Omega-6
Omega-6 có khả năng giúp cơ thể kiểm soát hàm lượng cholesterol xấu, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Omega-6 có nhiều trong các loại thực phẩm như hạt hướng dương, đậu nành, dầu hạt cải và đậu phộng.
Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa
3. Tác hại của chất béo xấu
Chất béo xấu gồm 2 loại là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Tiêu thụ những thực phẩm có hàm lượng chất béo xấu cao sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, mọi người nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao như: thịt mỡ, trứng, da gia cầm, chế phẩm từ sữa (pho mát, kem, sữa béo), cọ, dừa, bơ ca cao, khoai tây chiên, bánh quy,...
Chất béo chuyển hóa
Đây là một loại chất béo bị hydro hóa trong quá trình chế biến. Nó làm giảm cholesterol tốt ( HDL cholesterol), tăng cholesterol xấu (LDL cholesterol) và triglycerides trong cơ thể. Loại chất béo này thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến như bánh quy, bánh ngọt, đồ ăn nhẹ, thực phẩm đông lạnh,...
4. Chế độ ăn uống lành mạnh
Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh vì luôn chứa chất béo chuyển hóa
Để đảm bảo sức khỏe, mỗi người cần xây dựng và tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, nên thay thế các chất béo bão hòa bằng các chất béo không bão hòa nhằm cải thiện mức cholesterol tốt trong máu. Những lưu ý khi xây dựng chế độ ăn mà bạn nên tham khảo:
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh vì nó luôn chứa chất béo chuyển hóa;
- Giới hạn lượng thịt đỏ mà gia đình tiêu thụ. Thay vào đó, hãy ăn cá, đạm thực vật và thịt gia cầm đã bỏ da;
- Sử dụng dầu hạt cải khi ăn các món nướng;
- Sử dụng dầu ô-liu khi nấu ăn, trộn salad,...
- Chọn thức ăn nhẹ tốt cho sức khỏe thay vì bánh quy, khoai tây chiên;
- Sử dụng bơ thực vật thay vì bơ động vật.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp ích cho mọi người, đặc biệt là các bà nội trợ để xây dựng chế độ dinh dưỡng chứa chất béo hợp lý trong gia đình.
Theo Vinmec
Bài viết liên quan